Phát hiện hóa thạch cá sấu kỷ Đệ Tam tại Lạng Sơn
2025-01-12 IDOPRESS
Nhóm nghiên cứu thu thập mẫu vật. Ảnh: Bảo tàng Lạng Sơn
Nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Lạng Sơn và chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử vừa phát hiện 5 bộ hóa thạch của loài cá sấu cổ đại tại khu vực mỏ than Na Dương,tỉnh Lạng Sơn. Đây là phát hiện quan trọng,góp phần bổ sung tài liệu nghiên cứu về hệ sinh vật cổ sinh tại khu vực này.
Ông Nông Đức Kiên,Giám đốc Bảo tàng Lạng Sơn,cho biết chuyến khảo sát diễn ra trong 8 ngày,từ cuối tháng 12/2024 đến đầu tháng 1/2025. Đoàn khảo sát đã phát hiện được 5 bộ hóa thạch cá sấu. Trong đó,hóa thạch hàm trên cá sấu với 2 mẫu vật có kích thước dài 41cm,rộng 12 cm; hóa thạch mõm cá sấu có hình trụ,kích thước dài 12 cm,rộng 8 cm,được xác định có thể thuộc loài cá sấu mõm dài; một phần xương đầu hàm trên của cá sấu đang ngậm thức ăn từ một loài thú chưa xác định,kích thước dài 27,5 cm,rộng 10 cm.
Ngoài ra,nhóm còn phát hiện 88 mẫu vật phân cá sấu và một số mảnh da,xương khác của loài bò sát này.
Mẫu vật hóa thạch cá sấu. Ảnh: Bảo tàng Lạng Sơn
Nhóm sử dụng phương pháp đổ thạch cao để bảo quản nguyên trạng hiện vật và tiến hành xử lý,thu thập một bộ mẫu hiện vật để nghiên cứu,trưng bày tại Bảo tàng.
Ông Nông Đức Kiên cho biết,các mẫu hóa thạch được tìm thấy nằm trong các tầng trầm tích vỉa xỉ than và than nâu tại độ cao từ 173 đến 230 mét thuộc sườn vách vỉa moong khai thác than số 1 của Công ty Than Na Dương. "Qua phân loại và so sánh hình dáng,bước đầu nhận định hóa thạch thuộc ít nhất 2 loài cá sấu trong tổng số 3 loài đã được nghiên cứu và công bố tại trũng Na Dương",ông Kiên nói.
Ngoài cá sấu,nhóm nghiên cứu còn phát hiện hóa thạch của rùa nước ngọt,xương động vật,các loại trai,ốc và một số mẫu hóa thạch thực vật. Các mẫu vật nói trên được xác định có niên đại thuộc kỷ Đệ Tam thuộc thế Eocene muộn và Oligocene sớm,khoảng 41 đến 33 triệu năm trước.
Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Sử,nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu thời đại Đá,Viện Khảo cổ,những phát hiện mới ở Na Dương bổ sung vào bộ sưu tập hóa thạch động vật và thực vật,bao gồm các loài như cá sấu,lưỡng cư,các loài vỏ nhuyễn thể biển,và các loài thực vật. "Các hóa thạch này khẳng định khu vực Lạng Sơn trước đây là một môi trường đầm lầy,thuộc về giai đoạn trước và sau kỷ Neogene",PGS Sử nói. Tại Việt Nam,ngoài Na Dương,Sơn La cũng là khu vực có giá trị phát hiện lớn nhưng chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu.
Những phát hiện này mở ra hướng nghiên cứu chuyên sâu về môi trường cổ đại trước thời kỳ Cánh Tân (Pleistocene). Đây là thời kỳ hình thành các hệ sinh thái và vật cổ đại,bao gồm cả các loài tiền nhân. Tuy nhiên,PGS Sử nhấn mạnh để xác định giá trị của các phát hiện,cần phải tập hợp đầy đủ thông tin,tư liệu từ các lần phát hiện trước,ví dụ như loại thực vật và động vật hóa thạch,tốc độ hóa thạch,xác định tuổi,hệ tầng địa chất mà chúng thuộc về.
"Dựa trên các dữ liệu này,chúng ta có thể khôi phục một cách toàn diện môi trường cổ tại vùng Lạng Sơn nói riêng và khu vực Đông Bắc Việt Nam nói chung",ông Sử nói. Những phát hiện bổ sung này không chỉ làm giàu thêm bộ sưu tập mà còn tạo điều kiện cho các nghiên cứu sâu hơn trong tương lai.
Nhật Minh